30/06/2016 - 12:00 AM 492 lượt xem Cỡ chữ I. ĐẶT VẤN ĐỀ Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam thuộc viện Điều tra, Quy hoạch rừng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bảo tàng được xây dựng năm 1997 trong khuôn viên của Viện Điều tra quy hoạch rừng tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bảo tàng sở hữu khu “Vườn thực vật” rộng 32.000m2, được trồng cách đây khoảng 60 năm với nhiều cây gỗ quý thu thập từ các vùng miền khác nhau. Vườn thực vật được phân thành nhiều khu như khu cây gỗ, khu tre nứa, khu cây hạt trần, cây thuốc, những khu cây gỗ đã được phân tầng, tán và lớp cây bụi giống với khu rừng tự nhiên thu nhỏ. Ngoài ra Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam còn đang lưu giữ và trưng bày một số lượng mẫu tiêu bản lớn về động vật, thực vật và côn trùng. Với những ưu thế trên Bảo tàng Tài nguyên rừng đang từng bước xây dựng những nội dung trải nghiệm về môi trường, về đa dạng sinh học, bảo tồn và lồng ghép các chương trình môn sinh học, khoa học tự nhiên…phục vụ học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU · Nghiên cứu các tài liệu giáo dục liên quan đến giáo dục môi trường, các môn học về tự nhiên, như khoa học, sinh học, địa lý, giáo dục công dân. · Xây dựng nội dung hoạt động cho các khối học sinh, theo các chủ đề về đa dạng sinh học, Bảo tồn, Môi trường…. phù hợp với những mẫu vật sẵn có của Bảo tàng. · Chuẩn bị dụng cụ, mẫu vật, các vật dụng cần thiết để tổ chức thực các hoạt động. · Tập huấn cán bộ hướng dẫn thực hiện các hoạt động. · Thực hiện các hoạt động mẫu. · Đánh giá các hoạt động. III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 1. Hoạt động trải nghiệm về đa dạng sinh học và bảo tồn Với một ví trí thuận lợi chỉ cách trung tâm Hà Nội 12 km, sở hữu khu rừng thu nhỏ với đầy đủ các loại cây đại diện cho đa dạng thực vật cùng với bộ mẫu trưng bày với nhiều loài quý hiếm như Voi, Tê giác, Gấu, Sao la, Mang Trường sơn và nhiều loài côn trùng quý hiếm các em học sinh được trực tiếp tham gia các hoạt động như: + Khám phá hình dạng lá của thực vật (hình 1): Học sinh được hướng dẫn, tự tìm hiểu và tìm các hình dạng lá của thực vật khác nhau trong Vườn thực vật của Bảo tàng, đồng thời nêu được những tác dụng của lá thực vật, lý do lá đổi màu theo mùa, tại sao lá rụng hay tại sao lá của thực vật lại có nhiều hình dạng như vậy…?. Đối với nội dung này, học sinh từ khối lớp 4 đến lớp 8 được giao nhiệm vụ sưu tầm các hình dạng lá khác nhau trong vườn thực vật. Các em sẽ phải làm việc nhóm để tìm nhiều lá với hình dạng khác nhau và phải mô tả lại sự khác nhau đó (khác nhau về gân, hình dạng lá, hình dạng mép lá, ….). Hoạt động này giúp học sinh tự mình thấy được lá của các loài thực vật vô cùng đa dạng và phong phú về hình dạng, kích thước, màu sắc,…. Sự đang dạng này giúp thực vật thích nghi với các kiểu hình thời tiết, thổ nhưỡng, … khác nhau trên Trái đất. Hình 1. Học sinh cùng sưu tầm và tìm hiểu về lá thực vật (ảnh VFM) + Bài học về thực vật còn được thiết kế để học sinh phân biệt các cây thân gỗ, thân cỏ, thân leo, … Các nội dung này có trong chương trình học phổ thông, nhưng học sinh lại ít có điều kiện để được nhìn, so sánh các mẫu vật thực tế. Học sinh được dẫn đi theo các lối mòn để cùng tìm và phân biệt các dạng thân cây trong vườn thực vật. Không gian của vườn thực vật như một khu rừng nhỏ với nhiều tầng, tán, cây thân gỗ, thân leo đa dạng giúp cho hoạt động trải nghiệm thêm thú vị, bài học cũng vì thế mà dễ hiểu hơn cho các em. Không những thế, học sinh còn được học thêm cách để xác định tuổi của cây thông qua vân gỗ, từ đó có thêm được kiến thức về vòng sinh trưởng của cây. Việc sử dụng các mẫu gỗ thực tế để trao đổi với học sinh giúp cho các em hứng thú và tập trung và rõ ràng hơn rất nhiều với kiến thức của mình đã được học. + Tìm hiểu về các loài côn trùng thông qua câu chuyện về chúng trong phòng trưng bày để thấy được côn trùng có vai trò vô cùng quan trọng tới sự sống trên trái đất (hình 2). Ngoài việc tìm hiểu về hình thái, nghe các câu chuyện về vai trò của côn trùng đối với môi trường sống, học sinh còn được trải nghiệm làm mẫu côn trùng ngay tại Bảo tàng. Các em được cán bộ của Bảo tàng hướng dẫn, rồi sau đó tự tay mình thực hiện các bước để căng và ép khô các mẫu Bướm (hình 3). Hoạt động này giúp các em rèn luyện tính kiên trì và cẩn thận của người làm khoa học. Hình 2. Học sinh được hướng dẫn để tìm hiểu về mẫu vật côn trùng (ảnh VFM) Hình 3. Thực hành làm và ép mẫu bướm khô, tô vẽ lá cây (ảnh VFM) + Tại Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, tất cả các mẫu động, thực vật và côn trùng đều là mẫu thật nên học sinh nắm được kích cỡ, hình dáng thực sự của các rất nhiều loài vật mà trước đó chỉ được xem trên ti vi. Trải nghiệm này vô cùng quí giá vì rất khó để có cơ hội cho chúng ta có thể nhìn thấy các loài động vật hoang dã trong đời sống của thành phố (hình 4). Hình 4. Học sinh tham quan mẫu Gấu (ảnh VFM) 2. Hoạt động về môi trường Trên lớp, học sinh phổ thông được biết rừng có vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu trong môn học Khoa học tự nhiên của khối lớp 4, lớp 5. Đến với Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, các em được trực tiếp tham gia làm thí nghiệm đo đạc nhiệt độ, độ ẩm tại các vị trí khác nhau trong rừng và ngoài khu vực trống để từ đó thực sự thấy được vai trò điều hoà khí hậu của rừng cây thông qua các con số trên máy đo: vào ngày hè, trong rừng có nhiệt độ thấp hơn so với khu vực trống từ 20C – 30C và độ ẩm ít có sự dao động, trong khi đó ở khu vực trống không chỉ có nhiệt độ cao hơn mà độ ẩm cũng liên tục có sự thay đổi (hình 5). Hình 5. Học sinh tham gia hoạt động thí nghiệm vai trò điều hoà khí hậu của rừng cây Khối lớp 6 lại có bài học về vai trò của cây xanh trong việc giảm xói mòn, giữ đất. Trên lớp các con không có mô hình để mô tả rõ vai trò này mà chỉ có thể nhìn, xem qua một số hình ảnh, tranh vẽ. Tại Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, các cán bộ đã thiết kế các mô hình thực tế của đồi có cây và đồi trống/đất trọc để các con tự mình làm thí nghiệm. Các bình nước được sử dụng để giả thiết cho trời mưa tưới lên các mô hình, các con sẽ nhìn thấy mô hình không có cây xanh đất bị cuốn trôi nhanh và nhiều hơn so với mô hình không có cây xanh (hình 6). Đây là thí nghiệm rất trực quan, sinh động và đơn giản, giúp học sinh thấy được hiện tượng và dễ dàng hiểu được bản chất của vấn đề. Thông qua các thí nghiệm/trải nghiệm, nhiều thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn được cán bộ của bảo tàng lồng ghép và gửi tới học sinh một cách tự nhiên và khéo léo, giúp học sinh biết được mình có thể làm gì để bảo vệ môi trường sống của chính mình. Hình 6. Học sinh làm thí nghiệm về chức năng chống xói mòn của cây xanh 3.Tập huấn và đánh giá các hoạt động Để các cán bộ nghiên cứu và làm công tác bảo tàng lâu năm có thể thực hiện tốt các hoạt động giáo dục môi trường cho đối tượng học sinh, các cán bộ của Bảo tàng đã tự tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi với nhau trong nội bộ đơn vị, từ đó nâng cao năng lực về giáo dục, truyền thông cho đối tượng học sinh. Sau mỗi hoạt động, nhóm cán bộ phụ trách nội dung lại tiếp tục ngồi lại để rút kinh nghiệm và chia sẻ lại để hoàn thiện hơn kĩ năng của cán bộ thực hiện. Hoạt động đánh giá được thực hiện ngay sau mỗi buổi hoạt động dành cho mỗi học sinh và giáo viên phụ trách để có được góp ý của chính những người tham gia trải nghiệm về mức độ phù hợp kiến thức và sự hấp dẫn của các trải nghiệm, từ đó các cán bộ của Bảo tàng có thể chỉnh sửa, thiết kế nội dung và hình thức thể hiện tốt hơn đối với mỗi nhóm đối tượng. Nhờ có hoạt động này mà các nội dung thể hiện của Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam luôn có những sự cải tiến phù hợp hơn với mỗi nhóm đối tượng học sinh. KẾT LUẬN. Trải nghiệm thực tế với những mô hình giáo cụ trực quan đang trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với học sinh phổ thông khi mà các em ngày càng ít có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên. Các bảo tàng về tự nhiên là các lớp học phù hợp nhất, giàu có nhất về thông tin có thể giúp cho các em biết thêm các kiến thức thực tế. Để hoạt động của học sinh tại các bảo tàng tự nhiên mang tính trải nghiệm mà không phải là tham quan cần có sự đầu tư nhiều hơn về chất xám của cán bộ làm về bảo tàng, sự mạnh dạn trong việc quản lý để các em có được nhiều hoạt động phong phú hơn trong một không gian còn hạn chế của các bảo tàng hiện nay. Tweet Về trang trước Gửi email In trang
KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP BẢO TÀNG TÀI NGUYÊN RỪNG VIỆT NAM 12/03/2025 92 lượt xem Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam kỷ niệm 15 năm thành lập, đánh dấu hành trình bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục thế hệ trẻ .
THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ LỜI CHÚC XUÂN ẤT TỴ 2025 24/01/2025 115 lượt xem Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam gửi lời tri ân và thông báo lịch nghỉ Tết đến quý khán giả
BẢO TÀNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2024, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2025 VÀ HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2025 15/01/2025 114 lượt xem Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2024 của Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam đã diễn ra thành công, đánh dấu một năm hoạt động hiệu quả và đề ra chiến lược phát triển mạnh mẽ cho năm 2025.