26/11/2021 - 12:00 AM 217 lượt xem Cỡ chữ Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành pháp lệnh trồng rừng trong cả nước. Ngày 28/06/1995, Thủ tướng chính phủ ký quyết định 380/QĐ-TTg lấy ngày 28/11 làm ngày truyền thống cho ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Kể từ đó ngày 28/11 hàng năm được gọi là Ngày Lâm nghiệp Việt Nam. Trải qua chặng đường 62 năm hình thành và phát triển, Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản đã có những điểm nhấn, mốc son đáng nhớ, từ một ngành lấy khai thác gỗ làm mục tiêu chính; đến nay, ngành Lâm nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Trong thời kì đổi mới, phát triển và hội nhập Quốc tế hiện nay, ngành Lâm nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững dựa trên các phương diện như: “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Năm 2021 là năm đánh dấu mốc Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (ĐTQHR) tròn 60 tuổi. Viện được thành lập theo Nghị định số 140/CP ngày 29/ 01/1961 của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) với tên gọi là Cục Điều tra rừng. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự lớn mạnh của ngành, Viện ĐTQHR đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc thực hiện nhiều chương trình, dự án về điều tra cơ bản chuyên ngành; xây dựng nhiều chương trình, dự án đầu tư, thiết kế quy hoạch lâm nghiệp; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động hợp tác quốc tế và dịch vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, điển hình là: Trong giai đoạn từ năm 1958-1975, Viện tập trung công tác điều tra tài nguyên rừng, quy hoạch xây dựng các lâm trường và các khu nguyên liệu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa ở Miền Bắc Việt Nam, như Khu Lâm nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An), Khu nguyên liệu Hàm Yên, Bắc Quang, Khu gỗ trụ mỏ Đổng Bắc … Sau năm 1975 Viện đã tiến hành các chương trình điều tra thành lập các lâm trường, liên hiệp lâm nghiệp sản xuất, khai thác lâm sản phục vụ tái thiết đất nước. Đặc biệt giai đoạn từ năm 1979-1982, Viện đã triển khai Dự án điều tra tài nguyên rừng tòan quốc do FAO và UNDP tài trợ (Dự án VIE/76/014). Đầu năm 1983 đã công bố chính thức số liệu tài nguyên rừng tòan quốc theo một phương pháp thống nhất trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tương đối hiện đại của thế giới. Năm 1991-1992: Viện thực hiện kiểm kê rừng tự nhiên, đánh giá tài nguyên rừng toàn quốc, bước đầu phân chia được 3 loại rừng Sản xuất, Đặc dụng, Phòng hộ. Vào các năm 1998-2000, Viện đã được giao thực hiện Dự án Kiểm kê rừng tòan quốc theo Chỉ thị 286/ TTg. Kết quả đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành quả tháng 01 năm 2001 và cho phép công bố số liệu để các cấp các ngành khai thác sử dụng. Viện được Bộ giao thực hiện Chương trình điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc theo chu kỳ 5 năm. Kết quả chương trình đã cung cấp hệ thống số liệu tài nguyên rừng và bản đồ từ cấp toàn quốc, vùng, tỉnh phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách cho các cấp, các ngành cũng như công tác báo cáo tài nguyên rừng theo hệ thống đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu (FRA) của FAO. Viện đã tiến hành nhiều công trình điều tra đa dạng sinh học, góp phần hình thành hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam. Trong quá trình điều tra đa dạng sinh học, các cán bộ của Viện cũng đã phát hiện được một số loài động thực vật mới cho khoa học như Sao la Pseudoryx nghetinhensis (5/1992); Mang lớn Megamuntiacus vuquangensis (3/1994); Mang trường sơn hay Mang nanh Canimuntiacus truongsonensis (4/1997). Bên cạnh công tác điều tra cơ bản Viện đã thực hiện rất nhiều các công trình điều tra, thiết kế kinh doanh rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp cấp vùng, tỉnh, huyện, xã; quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu giấy; trụ mỏ; vùng gỗ lớn... xây dựng phương án điều chế rừng cho các lâm trường trên toàn quốc; quy hoạch hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Viện ĐTQHR luôn luôn quan tâm ứng dụng công nghệ trong công tác điều tra rừng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS và tin học trong điều tra, xây dựng bản đồ rừng. Trong thời gian qua, Viện đã có hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện và trên 500 báo cáo chuyên đề thuộc các lĩnh vực: Thực vật, Động vật, Lâm học, kinh tế xã hội, tài nguyên rừng v.v. Về lĩnh vực hợp tác quốc tế, Viện đã hợp tác với nhiều nước và tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực ĐTQHR và đào tạo nhân lực như: Trung Quốc, Liên Xô, Anh, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Canada, Lào, Campuchia… Các tổ chức như: FAO, UNDP, IUCN, WWF,SIDA, BIRDLIFE, TROPENBOS INTERNATIONAL, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, Chương trình SylvaCarbon, Mạng lưới mây tre quốc tế (INBAR), Mạng lưới Châu Á và Thái Bình Dương về quản lý rừng bền vững và phục hồi rừng (AFPNet) và các tổ chức khác thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng và các dự án bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng. Viện đã cung cấp số liệu và phối hợp cùng với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam theo các giai đoạn khác nhau. Xuyên suốt thời gian 60 năm hình thành và phát triển, dù trong hoàn cảnh nào, toàn thể cán bộ, viên chức Viện điều tra, Quy hoạch rừng luôn luôn phấn đấu để xứng đáng là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực điều tra, quy hoạch rừng; cố gắng học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cam kết hoàn thành xuất các nhiệm vụ được giao góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ phát triển rừng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây” - Ngày Lâm Nghiệp Việt Nam (28/11/1959) Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam Tweet Về trang trước Gửi email In trang
KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP BẢO TÀNG TÀI NGUYÊN RỪNG VIỆT NAM 12/03/2025 89 lượt xem Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam kỷ niệm 15 năm thành lập, đánh dấu hành trình bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục thế hệ trẻ .
THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ LỜI CHÚC XUÂN ẤT TỴ 2025 24/01/2025 114 lượt xem Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam gửi lời tri ân và thông báo lịch nghỉ Tết đến quý khán giả
BẢO TÀNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2024, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2025 VÀ HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2025 15/01/2025 111 lượt xem Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2024 của Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam đã diễn ra thành công, đánh dấu một năm hoạt động hiệu quả và đề ra chiến lược phát triển mạnh mẽ cho năm 2025.